• Kể từ khi các bạn đọc được Thông báo này. Tất cả Khách truy cập trên Văn Đàn chỉ có thể xem bài viết và không thể gửi được góp ý hay ý kiến cá nhân. Vui lòng bạn hãy Đăng Ký để trở thành một thành viên của Văn Đàn, các bạn mới có đầy đủ quyền truy cập trên Văn Đàn. Việc Đăng Ký hoàn toàn miễn phí và rất nhanh chóng.
    Thân!

Blog - Cảm Xúc Cha tôi là bộ đội!

Thiên Sầu
  • Lượt xem 5K
  • Trả lời: 3
Hôm nay có một cô gái nhắn tin FB nói chuyện với mình. Cô ấy bảo, anh có biết vì sao con gái bây giờ không thích bộ đội không? Thế rồi cô ấy gạch ra cho mình mấy cái đầu dòng:

- Gia trưởng
- Rượu chè
- Nhàm chán
- Kỷ luật
- Nghèo.

Mình cười và cảm ơn cô ấy. Nhưng mình nghĩ thế này.

- Gia trưởng và rượu chè thì chẳng cứ bộ đội hay ngành nào vì đó là tính người chứ không phải thói quen hay đặc thù công việc.

- Còn nhàm chán và kỷ luật thì chắc là do môi trường quân đội tạo nên. Những anh bộ đội ở đơn vị lâu, năm này sang tháng khác chỉ quen với 3 chế độ trong tuần, 11 chế độ trong ngày, chăn vuông góc, tóc cắt cao… nên khi trở về với cuộc sống khó thay đổi được. Có những đồng chí mấy chục năm trời ở nhà giàn, đảo chìm, biên cương heo hút, khi về hưu còn “không hòa nhập” được với xã hội.

- Còn nghèo thì cũng đúng. Đôi khi nhiều người cứ nói bộ đội lương cao vì sao? Vì họ chỉ nhìn vào các lãnh đạo, chỉ huy, tướng lĩnh hoặc cán bộ, sĩ quan ở các đơn vị kinh tế. Vì họ thường chép miệng, cái ông đại tá cạnh nhà về nghỉ hưu rồi mà lương vẫn cả chục triệu đồng. Vì họ không nghĩ đằng sau cái quân hàm cấp tướng hay đại tá ấy là 40 năm quân ngũ, người quân nhân cũng phải đi lên từ hạ sĩ quan, chiến sĩ, phải lăn lộn khắp biên giới, hải đảo, thao trường, bãi tập, huấn luyện chiến đấu, lao động toàn thời gian, xa nhà, thiệt thòi tình cảm gia đình và cả đối diện với những nguy hiểm tính mạng. Vì họ không nhìn vào hàng vạn quân nhân ở các quân khu, quân đoàn, binh chủng, hải đội, nhà giàn, trạm gác… 24 giờ/ngày, 7 ngày/tuần, 30 ngày/tháng, 12 tháng/năm… đằng đẵng ở trong đơn vị, đằng sau cánh cổng sắt ấy chỉ có những mệnh lệnh và kỷ luật. Nghèo cũng đúng thôi vì một sĩ quan cấp đại úy (như mình) ở đơn vị lương 1 tháng chỉ khoảng 7-8 triệu đồng (tùy thâm niên). Trong khi đó trừ tiền ăn 2 triệu đi thì họ còn lại bao nhiêu? Gửi về cho vợ con được bao nhiêu? Dành dụm được bao nhiêu? Và họ làm thêm được gì?

Mình từng gặp một anh đại tá công binh, nhiều năm trời vác đá đi xây đảo Trường Sa từ những năm 90 của thế kỷ trước. Anh đi biền biệt, gom mồ môi, gạn nước mắt và chắt chiu cả máu của mình gửi về bằng đồng lương ít ỏi để vợ nuôi con, làm nhà. Đến ngày anh trở về thì người vợ đã chung sống với người đàn ông khác trong chính ngôi nhà của anh. Anh giấu đơn vị, nhiều năm liền anh không về quê ăn Tết, chỉ xin ở lại trực. Có lần thủ trưởng bắt về thì anh xách ba lô lên đi lang thang, tá túc nhà bạn bè cho đến hết Tết thì trở lại đơn vị.

Mình có anh bạn là bộ đội biên phòng ở biên giới phía Bắc. 25 năm bộ đội thì gần 20 năm anh xa nhà. Mỗi lần gặp nhau hầu như chẳng bao giờ anh kể chuyện về gia đình. Có lần cữ rượu đêm say lắm, mình gặng hỏi mãi thì anh cũng chỉ kể vài lời mà như sắp khóc. Anh đi xa nhà, không ai dạy cháu, nên con hư chú ạ…

Mình có anh bạn thiếu tá hải quân, hơn 20 năm ở Tiểu đoàn DK, sống ở hầu hết những “chuồng chim câu’ trên biển của thềm lục địa phía Nam. 18 năm lập gia đình thì anh ở với vợ con được chưa đầy 2 năm. Có lần anh về phép, thằng cu lớn bị xuất huyết não hôn mê sâu, anh bế con vào viện mà còn chẳng biết trình bày ra sao với bác sĩ. Con anh nằm thực vật cả tháng trời ở BV Nhi trung ương. Hết phép anh lại xách ba lô ra biển, đứng nhìn con nằm bất động trên giường bệnh mà anh khóc, anh đặt cạnh đầu giường nó một cái vỏ ốc rồi… đi.

Mình có anh bạn học cùng phổ thông, là đại đội trưởng một đại đội chủ lực ở vùng cao Tây Bắc. Khi đơn vị bố trí cho anh về “Lục quân” học hoàn thiện thì người vợ ở nhà rẽ ngang với một doanh nhân khác. Anh xin nghỉ phép về ký đơn ly hôn để cô ấy được chọn một cuộc sống tốt hơn. Ngồi uống rượu với nhau, đến hồi say là anh lại lẩm nhẩm bài hát Chân tình: “Như chưa từng có giây phút lìa xa/ Giấu gương mặt trên vai anh khóc òa/ Những con đường anh đi rồi cũng đưa anh về bên em…

Còn nhiều đồng đội, anh em của mình có hoàn cảnh éo le, vất vả lắm. Nhưng mình cũng không muốn kể nữa. Bởi khi người lính đã chọn ngôi sao trên mũ, chọn đeo quân hàm trên vai là họ đã chọn cho mình một nghề cao quý: Nghề bảo vệ Tổ quốc. Và bất cứ ai đã từng là quân nhân, hoặc ai là con em của quân nhân thì dù ở trong gia đình hay ra ngoài xã hội đều tự hào về điều đó. Tự hào để nói: Cha tôi là bộ đội.


SƯU TẦM
 
  • Like
Cảm xúc: =))
3 Bình luận
N
nhờ bài viết này tôi mới nhận thấy rằng cái nghề quân nhân này lại khổ như vậy! nhưng nó cũng rất cao thượng, sống bao nhiêu năm nhưng chưa bao giờ có thể nhìn thấy thế giới ngoài kia có những người khó khăn, hi sinh biết nhường nào! sự hi sinh thầm lặng hi sinh cả hạnh phúc của bản thân họ, nhìn lại bản thân tôi nghĩ mik cố gắng nhiều hơn vì một xã hội tốt đẹp hơn!, cảm ơn bạn đã viết một bài viết đơn giản mà nói lên hết mọi ẩn chứa trong đó!
 
Tôi cũng quen 1 anh quân nhân ... Anh kể nhiều về cuộc đời của mình , thanh xuân của mình..Chẳng hiểu sao tôi cứ im lặng và nghe.. cũng chỉ biết im lặng và nghe thôi.. Tôi nhớ anh kể về những người đồng đội nằm xuống vì 2 chữ lí tưởng. Tôi nhớ anh kể về ngoại đã già cũng hi sinh vì lí tưởng. Tôi nhớ đến anh , người quân nhân cũng mang nặng trên vai hai chữ lí tưởng... Tôi xót xa khi nghe anh nói nợ ngoại 1 người cháu dâu, tôi khuyên anh về ... Nhưng gác làm sao được lí tưởng trong anh, lí tưởng trong ngoại?
" Nhà này chỉ có chết trận , không có trốn trận.." .... Tôi thương anh ... !
Này , Anh quân nhân à ... Nếu mệt mỏi hãy trở về ngôi nhà nhỏ của chúng ta nhé... Mọi người vẫn " Chờ " anh về...
Này, Anh quân nhân à... Mong anh Bình An.. !
#Lặng
 
Tôi cũng quen 1 anh quân nhân ... Anh kể nhiều về cuộc đời của mình , thanh xuân của mình..Chẳng hiểu sao tôi cứ im lặng và nghe.. cũng chỉ biết im lặng và nghe thôi.. Tôi nhớ anh kể về những người đồng đội nằm xuống vì 2 chữ lí tưởng. Tôi nhớ anh kể về ngoại đã già cũng hi sinh vì lí tưởng. Tôi nhớ đến anh , người quân nhân cũng mang nặng trên vai hai chữ lí tưởng... Tôi xót xa khi nghe anh nói nợ ngoại 1 người cháu dâu, tôi khuyên anh về ... Nhưng gác làm sao được lí tưởng trong anh, lí tưởng trong ngoại?
" Nhà này chỉ có chết trận , không có trốn trận.." .... Tôi thương anh ... !
Này , Anh quân nhân à ... Nếu mệt mỏi hãy trở về ngôi nhà nhỏ của chúng ta nhé... Mọi người vẫn " Chờ " anh về...
Này, Anh quân nhân à... Mong anh Bình An.. !
#Lặng

Chờ....
 
Top Bottom