• Kể từ khi các bạn đọc được Thông báo này. Tất cả Khách truy cập trên Văn Đàn chỉ có thể xem bài viết và không thể gửi được góp ý hay ý kiến cá nhân. Vui lòng bạn hãy Đăng Ký để trở thành một thành viên của Văn Đàn, các bạn mới có đầy đủ quyền truy cập trên Văn Đàn. Việc Đăng Ký hoàn toàn miễn phí và rất nhanh chóng.
    Thân!

Bàn Tròn Văn Học Hiện tượng 'Tô tem Sói'

Thiên Sầu
  • Lượt xem 1K
  • Trả lời: 0
Hiện tượng 'Tô tem Sói'

Như mọi cuốn sách bán chạy khác, Tô tem Sói (1) được giới truyền thông khắp thế giới tung hô, nhưng cũng vấp phải những phản ứng quyết liệt.

Điển hình là từ nhà Hán học người Đức Wolfgang Kubin khi trả lời báo “Tiếng nói nước Đức đã tuyên bố: “Đối với người Đức chúng tôi, Tô tem Sói thuộc chủ nghĩa phát xít. Cuốn sách làm Trung Quốc bẽ mặt”.


Không biết “bẽ mặt” thế nào, hàng triệu bản Tô tem Sói chính thức và chục triệu bản sách lậu đang lưu hành ở Trung Quốc. Sách lập kỷ lục xuất bản cũng có thể do nhiều người tò mò muốn xem mặt mũi chủ nghĩa phát xít ra sao...


Phát ngôn của Kubin được chia sẻ ở Việt Nam qua bài Tô tem Sói - tên phát xít đang được tung hô trên báo Người Hà Nội của Phạm Lưu Vũ: “Khương Nhung tiên sinh đâu phải nhà văn. Ông ta đã lộ rõ là một nhà đầu cơ tư tưởng có thứ hạng, kẻ chuyên nghiên cứu để “cải cách thể chế”. Ông ta viết cuốn sách cốt để truyền bá, cốt công khai cái tư tưởng “sô vanh sói””.


Cuốn sách xuất hiện năm 2004 đã đem về cho người “không phải nhà văn” 12 giải thưởng về văn chương. Một NXB ở Tokyo sẵn sàng trả 300.000USD để giành quyền chuyển thể phim hoạt hình.


Penguin Books (Anh) xuất trước 100.000USD để độc quyền xuất bản bằng tiếng Anh... Nhưng Khương Nhung thậm chí không nhận quyền tác giả khi cuốn sách được dựng thành kịch ở Trung Quốc.



Truyện xoay quanh chuyến phiêu lưu mới mẻ của mấy sinh viên Bắc Kinh tìm đến thảo nguyên Nội Mông, lánh xa cách mạng Văn hóa.


Trong khung cảnh thiên nhiên khoáng đạt, những tranh chấp giữa con người với con người nhường chỗ cho những mối quan hệ bao trùm hơn - giữa con người với thiên nhiên, con người với loài vật.


Bị thuyết phục bởi sức mạnh và sự thông minh của loài sói cũng như tục sùng bái sói của cư dân thảo nguyên, nhân vật chính Trần Trận đã bắt một sói con về nuôi. Sói con tiếp tục dạy cho cậu nhiều bài học...


Tô tem Sói ghi lại những ngày tươi đẹp cuối cùng của sói và của thảo nguyên. Những người trẻ từ Bắc Kinh về nhanh chóng hiểu và tuân theo “đạo trung dung” của thảo nguyên, nhưng rồi buộc phải ngồi nhìn những hành động phá hủy thảo nguyên của theo chủ trương của trên.


Biểu tượng cho minh triết thảo nguyên, ông già Pilich nói: “Thảo nguyên là sinh mệnh lớn, nhưng mạng sống của thảo nguyên còn mỏng hơn mi mắt con người... Thảo nguyên không còn thì những sinh mạng nhỏ nhoi như bò, cừu, ngựa, sói và người cũng không còn, ngay cả... thành phố Bắc Kinh cũng không giữ được”.


Dự đoán của ông nay đã thành sự thực. Có lúc tác giả thốt lên: “Phương Đông và phương Tây đều nói trái đất là bà mẹ của nhân loại, chẳng lẽ giết mẹ lại được coi là văn minh?”. Có thể khẳng định, môi trường là chủ đề tự thân của tác phẩm- dễ dàng gây nên mối đồng cảm với người đọc trong thời buổi ô nhiễm hiện nay.


Cốt truyện mang đậm màu sắc nhân văn siêu nhân loại- nơi loài vật và tự nhiên được trân trọng. Niềm tin thiên thú nhân thảo (nguyên) hợp nhất nơi người Mông Cổ được tác giả đề cao.


Truyện hết nhưng lý luận chưa xong, tác giả tiếp tục mượn loa nhân vật rao giảng những kết quả khảo cứu của mình về tầm ảnh hưởng của tô tem sói trong lịch sử Trung Hoa và đòi hỏi cấp bách phải áp dụng nó trong hiện tại... Và ở 70 trang cuối sách này, tầm tư tưởng và lý luận của tác giả bộc lộ rõ hơn cả.



Một vài ý kiến xung quanh hiện tượng "Tô tem Sói":


PGS.TS Trần Ngọc Vương: Cuốn sách đang được sử dụng với tần số cực cao trong tuyên truyền chính thống ở Trung Quốc hiện nay. Người ta đem đọc truyện đêm khuya, người ta đem thuyết trình thảo luận ở các cơ sở nghiên cứu và ĐH...


Chúng ta là độc giả và thưởng thức có tính chất chiêm nghiệm cá nhân thì vô tư, sách nước nào cũng giống nhau cả. Nhưng nếu một cuốn sách có vấn đề tư tưởng đặt trên căn bản quốc gia dân tộc thì không tiếp nhận nó đơn giản được đâu!


Nhà thơ Hoàng Hưng: Tôi rất sung sướng gặp những trang miêu tả đời sống phóng khoáng hùng dũng của thiên nhiên Nội Mông, lâu lắm mới được đọc những trang như thế.


Lâu nay chúng ta cứ bị chìm đắm vào nhiều thứ sách vở đi vào đời sống vật lộn trong thành phố, làm con người bị ức chế. Đọc Tô tem Sói mở ra cho con người sức sống mãnh liệt. Tôi hưởng thụ cái đó nhiều hơn chuyện chính trị.


TS Nguyễn Thị Minh Thái: Vấn đề quyển sách đặt ra khiến tôi phải nghĩ đến lời của cụ Đào Duy Anh cảnh báo từ 1938 trong cuốn Việt Nam Văn hóa Sử cương: Dân tộc mình sẽ gặp một thách thức dài dài- đó là một nền văn hóa luôn luôn tĩnh tại phải va đập với một nền văn hóa phương Tây mang tính động.


Cái mà dân tộc mình thiếu là sự chuyển động trên tinh thần triết học, và cuốn sách này cung cấp một giải pháp qua các hình tượng nghệ thuật.


Trích ý kiến phát biểu tại cuộc trao đổi Tô tem Sói- Những vấn đề của một tác phẩm văn học dịch do Trung tâm Văn hóa Ngôn ngữ Đông Tây và báo Người Hà Nội tổ chức tại trung tuần tháng 8/2007)



Nguồn: Tienphong Online

--------------------------
(1) Tiểu thuyết “Tô tem Sói” được dịch giả Trần Đình Hiến chuyển ngữ sang tiếng Việt và NXB Công an nhân dân in quý 1/2007.
 
Top Bottom