Tiểu thuyết của các cây bút trẻ, đọc và cảm nhận
Đoàn Minh Tâm
Khoảng hai năm trước, trong một lần trò chuyện tại căn phòng bề bộn, sặc sụa mùi tranh pháo của họa sĩ Xuân Hải, nhà văn Sương Nguyệt Minh có đưa cho tôi cái “list” gồm khoảng hơn hai chục nhà văn thuộc thế hệ bảy mươi, tám mươi của thế kỷ trước và khuyên nhủ chân thành: “Đây là những nhà văn mà mình đã đọc và thấy họ viết được, rất có tiềm năng. Chú cứ tìm đọc dần dần, đọc thật kỹ, từ hai mươi người này chọn lấy khoảng chục người, rồi lại đọc tiếp, chọn tiếp để xem liệu có phát hiện ra “ngôi vua” trong số họ không”.Đoàn Minh Tâm
Với người mới làm công tác phê bình như tôi thì đó quả là món quà giá trị. Hai năm qua tôi cố tìm đọc cho bằng hết những tác giả đó. Dẫu không dám nói là đọc hết 100% những gì họ viết nhưng cũng được ít nhiều đủ để không “ngô nghê” mỗi khi nghe ai đó bàn về “tình hình, thực trạng, chất lượng sáng tác” văn trẻ bây giờ. Giờ nghĩ lại mới thấy hình như nhà văn Sương Nguyệt Minh muốn tôi tìm ngôi “vương” ở thể loại truyện ngắn thì phải. Vì trong quá trình đọc, tôi nhận thấy hầu hết các sáng tác của họ đều thuộc thể loại này. Người ít thì ra một hai tập, người nhiều thì ba, bốn thậm chí là sáu, bảy tập truyện. Mặt khác, các tuyển tập truyện ngắn trẻ xuất bản cứ ào ào như thác chảy. Trong khi đó mảng tiểu thuyết lại ở tình trạng trái ngược: lưa thưa, vắng vẻ, đìu hiu. Nhắm mắt, tôi cũng có thể liệt kê tương đối đầy đủ tên các tiểu thuyết của những cây bút trẻ hiện nay[1]. Không phải mình có trí nhớ tốt gì cho cam mà đơn giản chỉ vì số lượng của thể loại này ít quá. Các nhà văn trẻ giờ xem chừng “ngại” viết tiểu thuyết. Chẳng nói đâu xa, ngay tại nhà số 4, năm vị “đại ca, đại tỷ” của tôi đều có thâm niên gần chục năm trong nghề vậy mà người nhiều thì có một hai cuốn, người thì một cuốn, cá biệt có người chưa ra cuốn nào. Hiện tượng này buộc chúng ta phải suy nghĩ một cách thấu đáo.
Trước nhất cần thấy rằng trong số các nhà văn trẻ – cũng như toàn bộ các nhà văn – có những người tạng không hợp để viết tiểu thuyết, đa phần rơi vào các cây bút nữ. Tiểu thuyết theo cách ví von quen thuộc là ngành công nghiệp nặng của văn học. Thường những gì nặng nhọc không phù hợp với phái đẹp. Các nhà văn nữ hợp, viết hay về những bối cảnh nhỏ đòi hỏi sự tinh tế, sâu sắc, đầm ấm hơn là đại cảnh hùng tráng làm dấy lên trong lòng người những cảm xúc vĩ đại cao cả, những chiều sâu tư tưởng mang tính chất chân lý thời đại vốn là nét đặc trưng của tiểu thuyết. Vậy nên rất hiếm nữ nhà văn trẻ viết tiểu thuyết. Hoặc có viết thì theo tôi cũng không thuộc dạng xuất sắc. Ngay với Thuận – nữ nhà văn trẻ có tư duy tiểu thuyết tốt nhất trên văn đàn Việt Nam hiện nay cũng vậy. Điều này là chuyện hết sức bình thường. Nhìn rộng ra thế giới nữ văn sĩ thành danh nhờ tiểu thuyết như trường hợp của ba chị em nhà Brônti hay tác giả Tình ơi là tình là rất hiếm. Ngoài việc không hợp tạng còn một nguyên nhân nữa tôi không tiện nói ra ,(nhưng chắc mọi người đều hiểu) vì sao các nhà văn trẻ ít viết tiểu thuyết. Từ xưa đến nay, tiểu thuyết luôn là thể loại đòi hỏi người viết sự miệt mài, chăm chỉ, nhẫn nại, bỏ công, bỏ sức ra nhiều….Trong bài dịch gần đây đăng trên tạp chí Văn nghệ Quân đội số 676 (Phạm Tú Châu dịch), nhà nghiên cứu văn học Bùi Huy đã nêu lên hiện tượng nở rộ phong trào viết tiểu thuyết của các nhà văn thế hệ 7X, 8X của Trung Quốc. Bài nghiên cứu chỉ ra rằng các nhà văn trẻ Trung Quốc coi việc viết tiểu thuyết là con đường ngắn nhất, nhanh nhất để nổi tiếng và… kiếm được nhiều tiền nên không chịu rèn luyện vốn sống, mài giũa chữ nghĩa mà bập ngay vào việc viết lách. Dù động cơ có phần thực tế, dù hành động còn nôn nóng nhưng chúng ta phải thừa nhận rằng việc các cây bút trẻ Trung Quốc ra được tiểu thuyết – chưa bàn tới chất lượng – đã chứng tỏ họ phải lao động miệt mài - so với việc viết truyện ngắn.Trong khi đó các nhà văn trẻ của chúng ta lại!!! Nhìn người mà ngẫm đến ta. Mà chúng tôi chắc chắn rằng ước mơ của các nhà văn trẻ Trung Quốc cũng là ước mơ của các nhà văn trẻ Việt Nam.
Hệ quả tất yếu của sự lưa thưa về số lượng này là tình trạng nghèo nàn về các dạng thức tiểu thuyết. Các dòng tiểu thuyết giải trí như trinh thám, viễn tưởng, thần thoại, phiêu lưu, kinh dị… đều vắng bóng trên văn đàn đương đại. Điều này – đúng như nhận định của nhà văn Nguyễn Huy Thiệp - phản ánh trí tưởng tượng yếu kém của các nhà văn trẻ. Vì những thể loại trên đòi hỏi người viết phải có một trí tưởng tượng phong phú, dồi dào. Nhưng cũng có thể do chưa bao giờ động bút tới các thể loại trên nên các nhà văn trẻ còn e ngại. Điều chúng tôi muốn nói với các nhà văn trẻ ở đây là hãy mạnh dạn khai thác các thể loại tiểu thuyết này, hãy nhìn vào thành công của tác giả Harry Porter, Mật mã Da Vinci…, Selochom thậm chí là Tru Tiên mà dẹp qua những rào cản tâm lý, tạo động lực viết cho mình, hãy là người đặt nền móng cho những mảnh đất màu mỡ ít người khai thác đó[2].
Không chỉ yếu về số lượng ngay cả chất lượng các tiểu thuyết cũng có nhiều điểm đáng bàn. Nếu dựa vào tiêu chí giải thưởng của các Hội chuyên ngành để đánh giá chất lượng thì tiểu thuyết của các cây bút trẻ rất khả quan. Trên đồi cao chăn bầy thiên sứ của Nguyễn Ngọc Thuần, Trả hoa hồng cho đất của Nguyễn Thị Diệp Mai đoạt giải B (không có giải A) trong cuộc thi “Sáng tác văn học cho tuổi trẻ” lần 2 (2002-2004) do Nhà xuất bản Thanh niên và báo Văn nghệ tổ chức, Paris 11 tháng 8 của Thuận được tặng thưởng của Hội nhà văn Việt Nam năm 2006, Chuyện của thiên tài của Nguyễn Thế Hoàng Linh đoạt giải của Hội nhà văn Hà Nội năm 2004-2005…Tuy nhiên nếu lấy tiêu chí sự quan tâm của độc giả và xã hội thì tình hình lại khác hẳn. Các tác phẩm (đoạt giải và không đoạt giải) đều không được bạn đọc quan tâm, xã hội chú ý. Tất cả những gì các cuốn tiểu thuyết trên nhận được là đôi ba bài điểm sách, nghiên cứu, phê bình trên vài đầu báo rồi chìm vào…im lặng. Theo tôi, nguyên nhân dẫn đến tình trạng này một phần là do tiểu thuyết của các nhà văn trẻ còn thiếu hai yếu tố cơ bản sau:
Những tư tưởng mang tầm thế giới để thu hút sự quan tâm của tầng lớp trí thức. Trong tất cả tiểu thuyết đã đọc, tôi không thấy một cuốn nào mang tầm tư tưởng lớn như Hạt cơ bản – cuốn tiểu thuyết nước ngoài gây xôn xao văn đàn Việt Nam thời gian gần đây. Chưa cần bàn đến các yếu tố khác, chỉ xét riêng đến nhận định nhân loại sẽ biến chuyển sang một dạng thức khác: bất tử và tự sinh sản vô tính mà tác phẩm đề cập cũng đủ hấp dẫn để lôi cuốn đông đảo tầng lớp trí thức trong xã hội vào những cuộc tranh luận sôi nổi, kéo dài dường như bất tận về cuốn tiểu thuyết trên. Tư tưởng của cuốn sách là đúng/sai, nhân văn/phi nhân văn, lạc hậu/tiến bộ… những câu hỏi ở tầm đó quả là liều thuốc kích thích cực mạnh với những người ưa hoạt động trí óc, buộc họ phải suy ngẫm, xem xét vấn đề một cách thấu đáo để tìm ra lời giải đáp, chí ít là cho riêng bản thân mình. Đáng tiếc các nhà văn trẻ chưa làm được điều này. Họ vẫn viết về những “điều xưa như trái đất” không có chút kích thích tư duy triết học trong độc giả một chút nào. Viết những dòng này chúng tôi không có ý định “phàn nàn” gì các nhà văn trẻ vì thực chất đây là điểm yếu cố hữu của cả nền văn học Việt Nam. Bao thế hệ nhà văn trước đây đều không làm được điều này. Nên tôi chỉ thất vọng đôi chút khi thấy thế hệ cầm bút hiện nay không vượt lên được những người đi trước. Vậy thôi!
Khi sân chơi thế giới vẫn ở quá tầm với, tôi buộc lòng phải gắng tìm xem có tác phẩm nào của các nhà văn trẻ đương đại mang phát kiến, lật lại các vấn đề văn hóa lớn của dân tộc như tác giả Khương Nhung Trung Quốc đã làm với cuốn Tô tem sói hay không. Và câu trả lời vẫn là cụm từ phủ định. Quả thật, tôi không ngạc nhiên lắm về kết quả đó. Việc lật lại các vấn đề văn hóa lớn của dân tộc ngoài việc đòi hỏi phông văn hóa dày dặn - ở mức chuyên gia – về một lĩnh vực nhất định còn yêu cầu người viết có tư duy triết học tốt, biết phản biện lại các giá trị tưởng chừng là vĩnh hằng của cuộc sống. Mà những tố chất này vốn là điểm yếu kinh niên của các nhà văn nước ta. Không phản biện được các giá trị quá khứ, tiểu thuyết của các nhà văn trẻ cũng không dự báo tương lai. Người đọc không thấy các nhà văn chỉ ra sự vận động của xã hội, tương lai diện mạo của dân tộc trong vài ba chục năm tới trong các tác phẩm của mình. Điều này phản ánh sự thiếu nhạy bén của các cây bút thế hệ 7X, 8X. Tôi nhớ nhà văn Nguyên Ngọc từng nói. Đại ý, nhà văn phải thính như…côn trùng để nắm bắt được những động thái thay đổi nhỏ nhất, tinh vi nhất trong xã hội, từ đó đưa ra những dự báo trên trang viết. Xem ra đây vẫn là một đòi hỏi quá cao. Do vậy thực tâm tôi chỉ chú trọng xem các nhà văn trẻ khắc họa hiện thực (trước mắt) của xã hội hiện tại như thế nào? Và ở mặt bằng này, xin được trình bày quan điểm cá nhân của mình về từng cuốn tiểu thuyết đã đọc.
Tiểu thuyết Bóng của cây sồi của nhà văn Đỗ Bích Thúy viết về mảng đề tài quen thuộc đã đưa chị tới những thành công nhất định: Con người và những biến chuyển ở miền núi vùng cao phía Bắc. Văn Đỗ Bích Thúy tinh tế, nhẹ nhàng và sâu lắng. Trong tiểu thuyết này và các tập truyện ngắn của chị chúng ta bắt gặp nhiều câu văn về tả cảnh và tả tình rất gợi, có thể đưa vào sách giáo khoa dạy học sinh mà không phải ngần ngại chút nào. Giọng văn này thật sự…không thích hợp cho việc miêu tả những thay đổi mang tính “cách mạng ở một vùng đất, một xã hội nói chung. Mỗi cuộc biến chuyển xã hội là quá trình cái mới chưa hình thành, cái cũ chưa mất đi trọn vẹn, các giá trị đạo đức, văn hóa đan xen vào nhau, chưa định hình thành chuẩn mực, là sự giao thoa giữa ánh sáng và bóng tối...Do vậy cần một giọng văn mãnh mẽ, gân guốc, ào ạt như đại dương nổi sóng với hàng loạt những chi tiết “bão tố” đậm chất sử thi để chuyển tải đầy đủ sự vật vã, đau đớn quằn quại của vùng đất trong cơn “chuyển dạ”. Vậy nên Đỗ Bích Thúy chỉ thành công trong việc khai thác mối tình tay ba giữa Phù, vợ Phù và Kim. Còn nhân vật Cường – đại diện cho cái xấu và sự thay đổi ở vùng cao – rất nhạt nhòa, nên tầm vóc tiểu thuyết co lại rất nhiều. Và chúng ta hãy chờ đợi một sự đổi mới về bút pháp của chị ở những tiểu thuyết sau này
Về tiểu thuyết Màu rừng ruộng của Đỗ Tiến Thụy tôi đã có hẳn một bài phân tích (VNQĐ666). Giờ nghĩ lại vẫn thấy suy nghĩ của mình giống trước nên không nói ở đây[3].
Trong số các nhà văn trẻ ở nhà số 4, Nguyễn Đình Tú là người có “gia sản” văn học nhiều hơn cả. Riêng thể loại tiểu thuyết anh đã xuất bản 2 cuốn. Về tiểu thuyết đầu tay của anh tôi thấy mình nếu có viết thì cũng không hay và kỹ bằng bài Hồ sơ một tử tù dưới góc nhìn thi pháp tiểu thuyết của TS Nguyễn Thanh Tú đăng trên Evan ngày 26/9/2006 nên không nói tới ở đây. Còn về tiểu thuyết Nét mặt buồn (tái bản là Bên dòng sầu diện) có lần Nguyễn Đình Tú tâm sự với tôi rằng nhà văn Nguyễn Khắc Trường bảo nếu sửa lại thì sẽ thành một cuốn sách hay. Và anh có sửa lại. Nhưng khi đọc tiểu thuyết này tôi cho rằng anh chưa thật sự hiểu đúng ý nhà văn Nguyễn Khắc Trường nên Bên dòng sầu diện không thành một tác phẩm lớn. Việc trình bày một cách rõ ràng, cặn kẽ những mặt m và hạn chế của Bên dòng sầu diện ở đây là không thể vì dung lượng quá dài nên chúng tôi sẽ đề cập đến này ở một bài viết riêng biệt. Ở đây tôi chỉ muốn trao đổi với Nguyễn Đình Tú hai điểm về bút pháp. Thứ nhất anh không nên dùng bút pháp huyền ảo vì tạng văn không hợp. Đọc những trang đầu của Bên dòng sầu diện (cũng như một số truyện ngắn), đoạn Nguyễn Đình Tú sử dụng bút pháp huyền ảo cho nhân vật Minh Việt vừa ra đời đã biết suy nghĩ như người lớn thấy… không ấn tượng chút nào. Thứ hai anh không nên lạm dụng ngôi kể thứ ba – kiểu nhân vật kể truyện biết tuốt – vì ngôi kể này hạn chế rất nhiều điểm mạnh của mình là khả năng phân tích tâm lý nhân vật, do đó làm giảm tính hấp dẫn của câu chuyện. Ví như câu Thôi thì Đàn nuốt hận, bỏ qua đi có lẽ phía trước cuộc đời dài rộng kia Đàn sẽ còn có dịp thanh toán nợ nần với Bằng trong đoạn Bằng bảo: Mày sinh ở gốc cây bạch đàn nên phía trước cuộc đời mày là màn trời chiếu đất. Năm nay mày có định đốt nến kỷ niệm ngày sinh không hay hưởng đèn giời quen rồi? Thôi thì Đàn nuốt hận, bỏ qua đi có lẽ phía trước cuộc đời dài rộng kia Đàn sẽ còn có dịp thanh toán nợ nần với Bằng nhưng Đàn lại bảo: Có chứ, tao không mọi rợ như mày nghĩ đâu, sinh nhật tao sẽ có rượu chảy, hoa tươi và bánh ga tô. Ba chục bạc chứ mấy, cũng là trả nợ anh em chiến hữu thôi vô hình chung đã tiết lộ trước số phận bi đát của Đàn. Do vậy, bạn đọc sẽ không còn hồi hộp, bất ngờ với những diễn tiến tiếp theo của câu chuyện nữa. Hãy ẩn mình và cho nhân vật tự do phát triển tâm trạng thì tiểu thuyết của anh sẽ hay hơn nữa.
Khác với Nguyễn Đình Tú, Nguyễn Ngọc Thuần và Nguyễn Danh Lam là hai cây bút trẻ dường như sinh ra là để cho bút pháp huyền ảo. Giữa vòng vây trần gian là cuốn tiểu thuyết hay nhưng tôi chỉ băn khoăn về một điểm là hình bóng tác giả mờ nhạt ở đứa con tinh thần của mình. Trong một lần trả lời phỏng vấn báo Văn nghệ trẻ (chúng tôi không nhớ số), Nguyễn Danh Lam thừa nhận mình viết Giữa vòng vây trần gian dưới ảnh hưởng của Kafka và một vài nhà văn phương tây khác. Chuyện này hết sức bình thường. Nhưng giữa việc chịu ảnh hưởng và nấp hoàn toàn trong tấm áo choàng của các nhà kinh điển là hai chuyện khác nhau, điều này phản ánh phần nào bản lĩnh, cái tài của người viết. Hy vọng ở các tác phẩm sau, chúng tôi thấy được cái tôi cá nhân của Nguyễn Danh Lam hiển hiện trong mỗi trang viết.
Những nhà thi pháp học hẳn sẽ rất lấy làm thú vị khi tiếp xúc với Trên đồi cao chăn bầy thiên sứ của Nguyễn Ngọc Thuần. Giọng văn “cổ tích người lớn” lôi cuốn ngay từ đầu những dòng đầu tiên. Tất cả từ không gian: ngôi nhà chính, ngôi nhà kho, ngôi làng, bầu trời, cánh đồng, con đường hầm xuyên ra biển..; đồ vật: cây kiếm, viên thuốc ngủ, chiếc quạt, cái xích đu, côn trùng… đến con người: người cha, ba chị em, đứa bé đều biến ảo và mang tính biểu tượng cao, đa tầng ý nghĩa. Có thể nói với Trên đồi cao chăn bầy thiên sứ (và tập truyện ngắn Cha con và chiếc tàu bay), Nguyễn Ngọc Thuần xứng đáng được nhắc đến nhiều hơn nữa trên văn đàn.
Trả hoa hồng cho đất là cuốn tiểu thuyết tôi phải đọc đến lần thứ 3 mới xong. Nguyên do là khi đọc được khoảng 50 trang đầu, trong chúng tôi bỗng xuất hiện cảm tưởng mình đang theo dõi rằng một bộ phim… tình cảm Hàn quốc vốn chiếu nhan nhản khắp các đài truyền hình ở nước ta suốt mấy năm trời nay. Chán nản, lang thang trên mạng, chúng tôi có đọc vài bài bình luận thì thấy về cơ bản độc giả đều nhận thấy yếu tố…sến ở tác phẩm này. Nhưng ý kiến không thuần nhất. Có người cho là sến quá, có người lại cho rằng ngoài những chi tiết có phần éo le, ướt át ra thì Trả hoa hồng cho đất thì còn nhiều điểm cần bàn đến – tuy không dẫn ra cụ thể[4]. Vì bài viết trên mà chúng tôi cố đọc cho hết hơn 400 trang tiểu thuyết nhưng đến giờ vẫn không sao thoát khỏi suy nghĩ không mấy “hay ho” kể trên. Có lẽ tôi không hợp kênh với tác giả nên không thấy hết cái hay, cái đẹp, cái sáng tạo của tác phẩm mà các nhà văn tên tuổi Nguyễn Khắc Trường, Lê Minh Khuê, Ma Văn Kháng… đánh giá rất cao này.
1981 - cuốn tiểu thuyết đầu tay của Nguyễn Quỳnh Trang - có tựa đề và đề tài hao hao giống tác phẩm của nhà văn Trung Quốc Từ Triệu Thọ Sinh năm 1980. Với các nhân vật Quỳnh, Nhi, Dương Nguyễn Quỳnh Trang đã khắc họa được một phần chân dung thế hệ trẻ Việt Nam. Tôi khá ấn tượng với cách Nguyễn Quỳnh Trang mô tả nhân vật Quỳnh. Điểm nhìn liên tục thay đổi từ Quỳnh – tôi – cô. Sự hoán chuyển này này tạo nên mối liên tưởng rằng Quỳnh – và thế hệ của mình – đang trong quá trình phám khá bản thân mình. Cũng vì đang trong quá trình khám phá nên tính cách của họ có những nét không ổn định, hàm chứa có mặt tích cực lẫn tiêu cực: Có trí thức, có ước mơ, biết sống vì ước mơ, nhưng đôi lúc còn phần kiêu bạc, nhìn đời một chiều, thiếu sự suy xét kỹ lưỡng. Tôi cũng rất thích đoạn những đối thoại giữa Quỳnh và Dương sau khi hai người có quan hệ thể xác. Những đoạn đối thoại phản ánh một cách chân thực và sinh động tâm hồn, diện mạo, cách nghĩ về cuộc sống của một bộ phận trí thức trẻ hiện tại. Nó khác xa cách nghĩ của thế hệ trước. Ở các thế hệ trước, khi đã ân ái với nhau thì người ta khó có thể thốt ra những lời như Quỳnh và Dương. Tuy nhiên trong 1981 có đôi ba chi tiết được “mô phỏng” khá giống phong cách của nhà văn Nhật đang rất thịnh hành ở Việt Nam hiện nay - Murakimi. Ví như chi tiết Quỳnh nằm mơ cầm dao giết Phan, đến khi tỉnh dậy nghe tin Phan chết vì một con dao y hệt con dao của mình. Nó từa tựa đoạn Toru Okada nằm mơ mình giết Wataya Noburu trong Biên niên ký chim vặn dây cót vậy. Sau cùng sự gắn kết giữa hai phần Ấu thơ - Hiện tại của nhân vật Quỳnh là rất lỏng lẻo. Hai phần này hoạt động gần như độc lập với nhau. Giả sử Nguyễn Quỳnh Trang có bỏ toàn bộ phần Ấu thơ đi thì cũng ảnh hưởng nhiều đến sự phát triển của Quỳnh ở hiện tại. Dĩ nhiên là khi xây dựng 1981 thành hai phần như vậy, Nguyễn Quỳnh Trang muốn độc giả có cái nhìn đa chiều, hệ thống về nhân vật của Quỳnh. Ý tưởng thì tốt nhưng vấn đề là cách thực hiện chưa được nhuyễn.
Trần Ngọc Linh là tác giả trẻ nhất tôi được đọc. Thật bất ngờ khi thấy cuốn tiểu thuyết đầu tay của mình, chàng sinh viên năm thứ 4 tổng hợp Văn lại viết những loại hình nghệ thuật thanh cao như ca trù, trà đạo, cây cảnh… Một tình yêu nghệ thuật thật đáng trân trọng và khuyến khích. Đọc Mắt đêm, dễ thấy Trần Ngọc Linh có một tầm hiểu biết khá chuyên sâu về ca trù. Song những mảng kiến thức về các nghệ thuật còn lại như trà đạo, cây cảnh của Trần Ngọc Linh lại chưa thật sâu. Đọc những đoạn anh viết về hai môn nghệ thuật này có cảm giác như chúng được “chép lại” ở một bản tổng kết nào đó chứ không phải xuất phát từ vốn hiểu biết của tác giả. Mặt khác, việc xây dựng nhân vật của Trần Ngọc Linh còn đơn giản. Liên và Tâm - hai nhân vật nữ chính – đều mờ nhạt về tính cách và thân phận, chưa lột tả trọn vẹn được cái tài, cái sắc, cái tình, cái nghiệp, cái lụy, cái bi của người nghệ sĩ ca trù. (Mà đây lại là cốt lõi của Mắt đêm) Hơn nữa, cách Trần Ngọc Linh lồng vấn đề văn hóa vào nhân vật Huy ở cuối truyện cũng có gì đó gượng ép, không tự nhiên.
Trên đây là những suy ngẫm của tôi về tiểu thuyết của các nhà văn trẻ. Tôi đã nghĩ ngợi rất nhiều khi viết những dòng này vì thấy rằng mình “chê” dữ quá, có thể sẽ làm mất lòng khá nhiều người (trong đó có các anh chị cùng cơ quan mà chúng tôi thật lòng quý mến). Nhưng chúng tôi quan niệm rằng người làm công việc phê bình văn học phải có tinh thần “thanh sử” Nghĩa là trung thành tuyệt đối với sự thật (Ở đây là suy nghĩ của mình). Và đấy cũng là cách tốt nhất để tôn trọng bản thân mình cũng như tác giả. Có thể ai đó sẽ trách cứ rằng tại sao lại yêu cầu quá cao đến mức quá thể như vậy thì xin được trả lời rằng đó cũng không nằm ngoài câu bởi chưng hay ghét cũng là hay thương của cụ đồ Chiểu. Mặt khác, tôi luôn quan niệm rằng tác phẩm lớn và nhà phê bình lớn luôn song hành cùng nhau.
ĐOÀN MINH TÂM
___________________
[1] Đọc Văn nghệ trẻ số gần đây tôi mới biết Nguyễn Văn Học đã ra 2 cuốn tiểu thuyết nên chưa tìm đọc được.
[2] Các dòng tiểu thuyết này cũng đã vắng bóng trên văn đàn từ nhiều năm trước đây. Song đó là do hoàn cảnh khách quan của lịch sử quy định, giờ đã đến lúc phát triển trở lại. Chúng tôi cũng biết Nguyễn Thị Phương Thảo có viết tiểu thuyết Điệu nhạc trần gian hơn 1000 trang về đề tài kiếm hiệp và nhà văn nữ Di Li chuẩn bị ra cuốn tiểu thuyết kinh dị. Tuy nhiên một con én không thể làm nổi mùa xuân, mặt khác còn vấn đề chất lượng. Tác phẩm của “Kim Dung Việt Nam” không thấy một fan kiếm hiệp nào nhắc tới. Trên các trang web kiếm hiệp như nhanmonquan.com và vietkiem. com cũng không thấy nhắc đến
[3] Chúng tôi không nhắc đến tiểu thuyết Truyện của thiên tài của Nguyễn Thế Hoàng Linh, Kẻ thù của số phận của Trung Phương và bốn tiểu thuyết của Thuận cũng vì lý do tương tự
[4] Bài viết trên sachcuatrang.com
Nguồn: Văn nghệ Quân đội Online