Tư duy thơ
Nguyễn Hữu Hồng Minh
Nguyễn Hữu Hồng Minh
1 Có lẽ ba chữ trên không mới nhưng vấn đề nó hàm chứa, đặt ra lại... không cũ (!). Ít nữa, trong bài viết này. Tư duy, phía nào đó chính là lao động thơ.
Tìm cách để phát triển, đào sâu một ý, một tứ để biên độ thơ mở sâu hơn, rộng hơn, chống lại sự sáo mòn, dễ dãi. Khi chúng ta có những nhận xét, so sánh bài thơ này nông cạn, hay trí tuệ, đó chính là cấp độ biểu đạt thất bại hay thành công của mỗi tác phẩm. Một bài thơ được “tư duy” tới nơi với một bài thơ viết “bằng “cảm xúc” liệu có khác nhau? Có chứ!
2 Khởi đầu của những bạn trẻ tập tành làm thơ thường viết bằng cảm xúc, cấp độ một. Tôi cũng thế! Bài thơ đầu tiên tôi được in là bài Cái trứng và con vịt trong tuyển tập thơ Tiếng chim của Hội Văn học nghệ thuật Quảng Nam - Đà Nẵng xuất bản năm 1978. Nó trở thành kỷ niệm sâu sắc trên con đường nghệ thuật của tôi. Bài thơ là cảm xúc của một đứa trẻ hồn nhiên phát hiện ra quả trứng và con vịt là “hai trong một”. Lên đại học tôi tiếp tục viết về bạn bè, sinh hoạt, ký túc xá… những va chạm đầu đời, những cảm xúc tinh khôi.
Bài thơ có thể hình thành hồn nhiên từ ánh nhìn (đôi mắt sâu thẳm của tình yêu) đến ánh nắng (chói chang mùa hè, thủy tinh mùa đông), từ bất động (một bức tường rong rêu) đến chuyển động (một cơn gió, một cơn mưa). Những bài thơ đi trực tiếp từ trái tim mà ngôn từ chỉ là những cái vỏ bọc đựng. Tâm trạng phù du, lâng lâng, man mác này đã được khắc họa một cách rõ rệt và tài tình trong thơ Xuân Diệu: Lòng không sao cả hiu hiu khẽ buồn. Và bạn có biết câu thơ này nhà thơ đã làm từ lúc nào không? Những năm 1930 của phong trào Thơ Mới.
3 Nhưng mọi việc không đơn giản chỗ đó. Khi sống lâu với chữ, lặn sâu vào thơ, một hôm nhà thơ bị đánh thức với những vẻ đẹp khác. Đó là biên giới không dò được cảm xúc, là khúc quanh của tâm hồn khi đi tìm những ký hiệu ngôn ngữ. Bài thơ buộc phải tìm hình thức thể hiện mới phù hợp với sự nảy nở đa chiều kích của nội tại. Tư duy thơ hay lao động, tìm những định nghĩa mới về thơ, về nghệ thuật ngôn từ ra đời. Nhà thơ bước vào cấp độ hai của sáng tạo.
Sau tập Giọng nói mơ hồ (NXB Trẻ 1999), tôi không còn cảm giác thú vị với vẻ đẹp “cẩm thạch” do cảm xúc đem lại nữa. Một lý do khác, cảm xúc tinh khôi, hồn nhiên, áo trắng dần dà bị đánh mất theo bước trưởng thành. Khi cuộc sống tràn đầy công việc và phải thường đối diện với thử thách đưa tới. Tập Chất trụ & những bài thơ khác (NXB Thuận Hóa - Huế, 2002) là những thể nghiệm, những bước tư duy thơ của tôi. Tôi tìm cách đánh thức thơ từ những vẻ đẹp ẩn sâu (Dự cảm cây liễu, Cúi xuống hỡi em, Linh giác, Luân phiên ánh sáng, Diễn từ nội giới, Đề cao hiện thực, Tiếng nói bội trương…).
Để nhập vào được bài thơ, người đọc phải cùng nhà thơ vận động, thỏa sức vẫy vùng liên tưởng. Ý xoắn trong ý, từ dẫn theo từ. Vùng biên của bài thơ được khêu gợi, đánh thức, mở rộng, xóa nhòa biên giới. Ví dụ cấp độ tư duy khởi đi từ bản chất Thơ - Từ - Dòng, trong bài Bùng nổ từ ghi chú: “Ghi chú Thơ / Như nén thêm một nghĩa vào phạm trù đã chật / Những khoảng rỗng đựng trong khoảng rỗng của một khoảng rỗng / Ghi chú Từ / Sự thừa thãi toàn bộ vẫn chưa đủ sao? / Ghi chú Dòng / Phiêu lưu hơn bao giờ / Lách vào đâu chỗ đứng hẹp / Chỉ cơn gió nhẹ / Là hắt tung tôi vào thế giới?”.
Hay ở một bài thơ khác là Ăn hải cảng: “Tôi đã ăn một hải cảng trong vòng ba tiếng đồng hồ / Hải cảng đó hai mươi năm xa bỗng quay về / Không nghĩ mình ăn nhiều thế”. Thực tế bài thơ này tôi viết về cảng Tiên Sa ở Đà Nẵng, nơi ngày xưa còn ở nhà tôi vẫn đến đây uống cà phê trong một quán dưới chân cầu cảng. Tôi nhìn thấy những con hà bám đầy trên những cột rêu và nghe sóng hát ì oạp một bài ca trễ nải bất tận. Sau hai mươi năm tôi mới có dịp quay lại và chứng thực biết bao nhiêu biến cố. “Ăn” ở đây chính là “ăn” ký ức, sự trỗi dậy ồ ạt bừng thức trở lại trí nhớ. Hình ảnh này tiếp nối hình ảnh khác. Như thực đơn đã dọn lên “bữa ăn” thịnh soạn của tâm hồn. Người nghệ sĩ phải biết nuôi nấng và sống thường trực với tâm thế ấy!
4 Nhưng cũng có khi bài thơ sẽ cô đơn khi cấp độ tư duy, hình ảnh, vốn sống của tôi không trùng khớp với nghiệm sinh của các bạn. Bài thơ lưng chừng giữa cảm xúc nhạt nhòa và tư duy vụn vặt, hình ảnh đứt đoạn chắp nối. Những sự cố gắng thơ đều thất bại. Nghệ thuật không thể cố gắng được! Bài viết này trong một chừng mực những điều tôi đã nghiệm trải tạm gọi là tư duy thơ. Nhưng thơ cũng như đời sống có nhiều điểm rẽ. Hẹn gặp lại các bạn trong một bài viết nhìn từ góc độ khác.
NGUYỄN HỮU HỒNG MINH
Nguồn: Áo trắng (TTO)